Tại sao lại là 1946?

Đọc cái tên quán vừa lạ lẫm, vừa ngồ ngộ khiến nhiều người không khỏi tò mò. Người thì cho rằng có lẽ 1946 là tuổi của chủ quán. Cũng có người đoán già đoán non là quán đã có lịch sử từ năm 1946?

Cái tên 1946 ra đời do ngẫu hứng nhưng lại phản ánh đầy đủ ý tưởng và trách nhiệm của chủ quán không chỉ đối với bề dày lịch sử, mà còn là thái độ trân trọng đối với nét văn hóa ẩm thực vốn gắn liền với đất Kẻ Chợ, Kinh Kỳ, Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

1946, vì thế, vừa quen vừa lạ với mọi người. Quen vì bạn sẽ tìm thấy đâu đó trong không gian giản dị và ấm cúng của 1946 những hương vị gần gũi mà bà và mẹ vẫn thường nấu cho cả nhà mỗi khi đoàn tụ. Lạ vì mỗi món ăn dù tên gọi có giống như ở nhà hàng khác nhưng hương vị của 1946 lại mộc mạc, độc đáo khiến bạn nếu đã thử một lần sẽ còn nhớ mãi.

Dưới góc độ văn hóa ẩm thực, bạn hãy tự khám phá và cảm nhận 1946 theo cách riêng của mình.

Giới thiệu
Giới thiệu

Lời tự bạch,

Tôi sinh ra và lớn lên tại ngã từ Trung Hiền sát chợ Mơ, cái bến cuối của tầu điện bánh ray phía nam Hà nội trong những ngày tháng nghèo khó. Thời thơ ấu vất vả nhưng trong sáng và đẹp đẽ đã khiến tôi có một tình cảm yêu quý nơi này một cách đặc biệt.

Bao nhiêu dấu ấn, kỷ niệm đẹp ngày một mất dần đi bởi một xã hội đang phát triển từng ngày. Lâu rồi không nghe tầu điện leng keng chợ Mơ, chẳng còn tiếng pháo tép khói thơm thơm ngày tết, ruộng rau húng Láng chuẩn bị xây chung cư, một bát phở chỉ được ăn khi bị ốm nay đâu còn là ước ao? Mẹ tôi cũng chẳng còn nấu những món cầu kỳ như xưa bởi bà phải ăn kiêng vì bệnh tiểu đường…

Những hoài niệm đó chẳng phải của riêng mình tôi mà còn của nhiều người với cùng chung tâm trạng tiếc nuối. Với mong muốn lưu giữ lại phần nào những kỷ niệm thiêng liêng và đẹp đẽ, nhà hàng 1946 được hình thành và hoạt động.

Những cái bát “chiết yêu” được sưu tầm mang từ quê ra, món canh cua ăn với cà pháo, bánh cuốn Thanh Trì và đậu Mơ tẩm hành thơm mùi khói rơm… là những điều tôi và bạn bè – những người gắn bó và yêu say mê Hà Nội đã cố gắng tạo dựng một cách chân thực nhất với mong muốn mang lại cho mọi người sự hoài niệm.

Tại nhà hàng, tôi đã từng rất xúc động khi thấy mấy bác khách hàng cao tuổi đứng hồi lâu xem bộ sưu tập nhiếp ảnh cổ 1880 – 1942 treo trên tường để so sánh “ngày đó – bây giờ” hoặc tò mò nghe nhóm bạn trẻ tranh luận sôi nổi về món lẩu riêu cua bỗng rượu. Tôi cũng thường mường tượng mình sẽ cho hai cậu con trai của tôi thấy tận tường văn hóa Hà nội: thế nào là bát chiết yêu, quả sấu chua, hát ca trù… điều mà nếu không thế thì chúng chỉ có thể tham khảo được trên Internet chứ sẽ không còn có thật nữa bởi bây giờ những điều thiêng liêng đó đã bị mai một nhiều rồi.

Bạn và tôi, chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ tối đa những giá trị văn hóa vô giá của Hà nội.

Cảm ơn bạn đã ủng hộ!